Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục giảm.
Theo thông báo về biểu lãi suất mới, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất giảm xuống còn 4,8%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Cụ thể, so với biểu lãi suất trước đó, Vietcombank điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,4%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,7%/năm. Lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 3,7%/năm.
Ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank niêm yết lãi suất ở mức 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Trong vòng 2 tháng qua, Vietcombank đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với tổng giảm khoảng 1,2%.
Cũng trong nhóm Big4, VietinBank và BIDV đã giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và niêm yết lãi suất là 5,3%/năm – tương ứng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy.
Không chỉ ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, cùng với đó là ngân hàng thương mại cổ phần cũng điều chỉnh lãi suất huy động, đưa lãi suất cao nhất về mức quanh 5%/năm. Ví dụ, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ACB là 4,9%/năm, Sacombank là 5%/năm, SHB là 4,7%/năm, 5,8%/năm, VIB là 5,5%/năm…
Dù lãi suất tiền gửi giảm mạnh, nhưng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng cao. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III/2023, tổng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Trong đó, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng thêm 217.353 tỷ đồng vào tháng 9/2023.
Mặc dù lãi suất huy động giảm, người dân vẫn lựa chọn ngân hàng để gửi tiền trong bối cảnh các lựa chọn đầu tư khác như thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và vàng vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó, ảnh hưởng của việc giảm lãi suất huy động không nhiều đối với xu hướng này.
Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất huy động có thể là điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từ đó kích thích tăng trưởng tín dụng vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Nhìn chung, việc điều chỉnh lãi suất là một bước quan trọng của các ngân hàng để thích ứng với biến động của thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế.